Điều tra, xử nghiêm việc găm hàng, nâng giá vật liệu thi công cao tốc
Vẫn còn nỗi lo vật liệu thi công
Tối 28/1 (tức mùng 7 Tết Nguyên đán), tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh đã có buổi làm việc với các bộ ban ngành Trung ương và các địa phương nhằm tháo gỡ các khó khăn trong việc triển khai thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp
Báo cáo với Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết: Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ Ninh Bình đến Quảng Trị có tổng chiều dài 480,5 km.
Dự án đi qua địa bàn các tỉnh Nam Định (5,2 km), Ninh Bình (24,5km), Thanh Hóa (98,8km), Nghệ An (87,9km), Hà Tĩnh (107,14km), Quảng Bình (124,41km), Quảng Trị (32,53km).
Đoạn tuyến này được chia thành 10 dự án thành phần, thuộc 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 2017 - 2020 có tổng chiều dài là 221,2 km gồm 5 dự án thành phần (1 dự án đầu tư PPP và 4 dự án đầu tư công).
Giai đoạn 2021-2025 có tổng chiều dài 259,3km gồm 5 dự án thành phần đầu tư công qua địa bàn các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị. Quy mô đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe cao tốc, phân kỳ đầu tư 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m.
Hiện nay, việc triển khai dự án đang có khó khăn, vướng mắc về trữ lượng mỏ cát. Cụ thể, hầu hết các mỏ cát sử dụng cho dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công.
Ngoài ra, còn vướng thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành của địa phương phối hợp với chủ đầu tư dự án, các nhà thầu thi công rà soát để nâng công suất các mỏ cát đang khai thác cần sử dụng cho dự án, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc làm việc.
Bộ Tài nguyên & Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương về các vướng mắc như đã báo cáo về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác các mỏ VLXDTT, phương án đền bù GPMB để thực hiện thu hồi đất đối với các mỏ khoáng sản được khai thác làm VLXDTT cho dự án.
Tại buổi làm việc, ông Phạm Đình Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Hòa Hiệp cho biết: Dự án thành phần Diễn Châu – Bãi Vọt được thực hiện theo hình thức PPP, đấu thầu trọn gói.
Vấn đề trượt giá được chấp thuận ở mức 4,2%. Thế nhưng, thời gian vừa qua, do biến động của thế giới, trên thực tế trượt giá lên đến 12 – 15%.
Các nhà đầu tư mong muốn Chính phủ có cơ chế phù hợp để bù lỗ cho doanh nghiệp và để các nhà tài trợ (ngân hàng) an tâm. Có thể nhà đầu tư không nhận tiền nhưng bù trượt giá thông qua kéo dài thời gian thu phí.
Trong khi đó, các đơn vị thi công khác kiến nghị vấn đề GPMB các mỏ vật liệu cấp cho doanh nghiệp thi công.
Theo đó, các mỏ này được địa phương giao đất nhưng doanh nghiệp phải tự thỏa thuận để đền bù, GPMB. Việc làm này là rất khó và gây tốn kém.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị, Bộ Tài chính có hướng dẫn việc hoàn thuế giá trị gia tăng và cho biết, các dự án thành phần giai đoạn 2 đang có dấu hiệu manh nha của việc tăng giá, găm vật liệu thi công.
Bên cạnh Bộ GTVT và các nhà đầu tư, đơn vị thi công thì các địa phương cũng kiến nghị các bộ ngành liên quan và Chính phủ có hướng dẫn nhằm sớm tháo gỡ vướng mắc trong đền bù, GPMB đất quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc.
Các địa phương không thể đứng ngoài cuộc
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết: Qua kiểm tra thực tế các dự án thành phần của giai đoạn 1 nhận thấy, chúng ta đã cơ bản lấy lại được tiến độ bị chậm trước đây.
Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp của các bộ ban ngành, các địa phương và sự quyết tâm của các đơn vị thi công.
Tuy nhiên thời gian tới, tiến độ của các dự án này là rất áp lực. Ví dụ dự án thành phần Mai Sơn - QL45 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào 30/4/2023 nhưng hiện khối lượng còn phải thi công là rất lớn.
Như hạng mục thảm, theo tính toán phải cần ít nhất 10 mũi thảm/ngày mới kịp, đó là chưa kể thời gian dự phòng để xử lý các vấn đề phát sinh khác.
Vì vậy, đề nghị Ban QLDA và các đơn vị thi công không chủ quan mà quyết tâm giữ được tiến độ chung đã đề ra.
Còn đối với các dự án giai đoạn 2, Bộ trưởng lưu ý các vấn đề có thể gây chậm tiến độ như: mặt bằng, mỏ vật liệu và việc huy động máy móc, thiết bị, nhân lực và tài chính của các đơn vị thi công ngay từ đầu.
Rút kinh nghiệm sâu sắc giai đoạn 1, các đơn vị thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt hợp đồng đã ký. Quan điểm của Bộ là nhà thầu không đạt yêu cầu sẽ có chế tài và xử lý ngay lập tức.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - Võ Trọng Hải mong muốn Chính phủ sớm có hướng dẫn để địa phương sớm GPMB đất quốc phòng
Liên quan đến mỏ vật liệu, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng các địa phương không thể đứng ngoài cuộc. Mỏ giao cho doanh nghiệp thi công, nhưng phải tự thỏa thuận để đền bù, GPMB chắc chắn sẽ bị một số người dân ép giá.
Mỏ là tài sản quốc gia, nhưng nhà thầu là chủ mỏ, giá đất được đưa vào giá vật liệu thì cuối cùng Nhà nước phải chịu trả tiền đến 2 lần.
Cần có thêm cơ chế và sự vào cuộc của các địa phương. Chỉ có địa phương mới đứng ra giải quyết được, không những cấp tỉnh mà cần sát sườn xuống tận huyện, xã, thôn.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các bộ ngành, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết: Qua kiểm tra thực tế, chúng ta thấy ngoài tuyến đường cao tốc thì còn có một con đường mới đã hình thành. Đó là đường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Qua kinh nghiệm thực hiện giai đoạn 1, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần xem xét lại từ khâu thiết kế. Thiết kế phải tính toán đầy đủ hơn, kể cả vật liệu xây dựng, công trình hạ tầng…
Ngoài ra các địa phương cần lưu ý các vấn đề mỏ; Bộ GTVT lưu ý vấn đề quy mô thi công quá nhỏ, 1 đoạn đường ngắn nhưng có rất nhiều nhà thầu. Và đặc biệt cần nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương và các đơn vị thi công.
Thượng tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an sẽ điều tra, xử lý nghiêm các hành vi nâng giá, găm hàng vật liệu thi công cao tốc và vấn đề bán thầu
Xử nghiêm việc găm hàng, nâng giá vật liệu
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận: Trong 20 năm, từ 2000 – 2020, chúng ta chỉ thi công được hơn 1.000km cao tốc.
Mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có 3.000km cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km cao tốc. Qua những gì đã đạt được, chúng ta có quyền hy vọng về mục tiêu đã đề ra.
“Qua kiểm tra hiện trường, tôi cảm nhận sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Có 2 vấn đề quan trọng, thứ nhất là nguồn vốn và sự đồng thuận của người dân đã được giải quyết. Vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện thế nào cho tốt, cho nhanh là trách nhiệm của chúng ta”, Thủ tướng nói đồng thời hoan nghênh, cảm ơn các địa phương, các bộ ngành, các đơn vị liên quan và sự đồng hành của người dân.
“Đi từ Bắc chí Nam khí thế của nhân dân rất phấn khởi, hưởng ứng, và vào cuộc rất tích cực. Chúng ta không thể phụ lòng nhân dân đã hiến đất, hiến nhà, mồ mả, phong tục tập quán đến nơi ở mới… Chúng ta phải hành động đáp lại sự hy sinh của người dân”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và nhấn mạnh:
Trong khí thế hừng hực này, khó khăn đến đâu, chúng ta phải tìm cách giải quyết ngay và giải quyết dứt điểm. Các địa phương cần phải chủ động tháo gỡ theo thẩm quyền. Còn vượt thẩm quyền thì trực tiếp gửi văn bản kiến nghị cho bộ trưởng.
Với Chính phủ, giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp và báo cáo. Cần Chính phủ ra nghị quyết thì sẽ ra nghị quyết, ra nghị định sẽ ra nghị định…
Chủ tịch tỉnh Quảng Bình Trần Thắng cam kết sẽ đồng hành cùng Bộ GTVT trong quá trình thi công cao tốc đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Bình
Còn vấn đề vật liệu, Thủ tướng nhấn mạnh: Mỏ vật liệu là tài sản quốc gia. Tài sản của mình đưa cho người khác, sau đó mình phải mua lại đắt hơn, rồi tình trạng găm hàng, nâng giá để thu lợi cá nhân.
Đất nước này không có chuyện đó, đạo đức kinh doanh cũng không cho phép chuyện đó. Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm một vài vụ để làm gương.
Thủ tướng cũng lưu ý: Khi thi công phải đạt tiến độ, chất lượng công trình và không để đội giá bất hợp lý.
Trong quá trình thi công phải an toàn, vệ sinh, kỹ mỹ thuật, môi trường cảnh quan…; chống tham nhũng, lợi ích nhóm; đảm bảo lợi ích cho công nhân, người dân.
Đặc biệt vấn đề chia nhỏ gói thầu, cần thiết xây dựng lại tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình đấu giá, đấu thầu, chỉ định thầu trong đó lấy lợi ích quốc gia là trên hết.
Bộ Công an vào cuộc điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm khi phát hiện dấu hiệu bán thầu, thông thầu…
Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế thì phát hiện những dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP đang phát huy kết quả cao hơn, nhiều đoạn khó hơn nhưng lại làm nhanh hơn.
Vì vậy, bên cạnh đầu tư công, chúng ta cần nghiên cứu để tăng cường các dự án từ xã hội hoá theo nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.
Tin hay dành cho bạn - Thủy tinh ocean chuyên cung cấp các sản phẩm làm bằng thủy tinh như dĩa thủy tinh cao cấp, cốc thủy tinh, ly kem thủy tinh, bình thủy tinh, bát và cốc thủy tinh, ... thuộc mekoong.com tại địa chỉ Lầu 1.1 Khu thương mại Thuận Việt – 319c15 Lý Thường Kiệt, P15, Quận 11, Tp.HCM
Nhận xét
Đăng nhận xét