Đánh thức hòn ngọc giữa biển trời đất Mỏ
Giờ đây, Ngọc Vừng được ví như “nàng công chúa ngủ trong rừng” đang cựa mình thức giấc kể từ khi có điện lưới quốc gia.
Miền hoang sơ thức giấc
Hệ thống giao thông, nhà nghỉ ở Ngọc Vừng đáp ứng tốt nhu cầu của du khách khi đến tham quan
Sáng cuối tháng 3, ngồi trên chiếc tàu khách từ cảng Vũng Đục thuộc phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh), chỉ sau khoảng 50 phút trên biển, PV Báo Giao thông đã đặt chân tới xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn.
Hơn 8h sáng, cầu cảng xã Ngọc Vừng đã nhộn nhịp các tàu chở du khách và cả những chiếc tàu của ngư dân sau nhiều giờ đi biển đang lặc lè chở cá, tôm về bến đậu. Những chiếc xe điện, xe máy đang chờ sẵn đón khách.
“Ngọc Vừng đổi khác nhiều rồi, người dân xã đảo giờ không chỉ biết đi biển, trồng cấy, mà rất nhiều người tham gia làm du lịch”, anh cán bộ xã Ngọc Vừng ra đón PV vui vẻ kể.
Thế nhưng, dù đã là điểm du lịch khá nổi tiếng, Ngọc Vừng vẫn giữ nguyên nhiều nét hoang sơ với những cánh rừng ngập mặn chạy tít tắp nằm lúp xúp dưới bãi triều, những cánh rừng phi lao hoang sơ xanh mướt mắt, những bãi cát trắng phau lấp lánh dưới ánh nắng...
“Dưới những cánh rừng này là nguồn lợi hải sản ngao, ốc, ghẹ, tôm, cá mú... vô cùng phong phú và là nguồn sinh kế bền vững của bà con nơi đây.
Xưa kia, người dân trồng những cách rừng này chỉ nhằm mục đích chắn sóng, chắn cát, bảo vệ cuộc sống cho các hộ phía biển, giờ đó lại là tài sản vô giá để cháu con phát triển du lịch sinh thái như hôm nay”, vị cán bộ xã chia sẻ.
Không chỉ sở hữu những cảnh đẹp hoang sơ, thơ mộng, Ngọc Vừng còn là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa qua nhiều thời kỳ như: Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo, thành nhà Mạc, di tích thương cảng Vân Đồn, trận địa pháo 12,7 ly thời chống Mỹ cứu nước... Đây đều là những điểm đến thú vị cho những người ưu sưu tầm, khám phá.
Đổi đời nhờ điện lưới
Người dân Ngọc Vừng chuẩn bị cơ sở hạ tầng đón mùa du lịch năm 2023
Đảo Ngọc Vừng nằm cách trung tâm huyện Vân Đồn trên 30 hải lý về phía Tây Nam, có tổng diện tích trên 40km2.
Theo tương truyền, ngày xưa, khu vực này có nhiều loài trai ngọc quý hiếm, vào ban đêm, ánh trai ngọc sáng rực cả một vùng biển, do vậy nơi đây được đặt tên là đảo Ngọc Vừng.
Mặc dù đẹp như hòn ngọc giữa biển, không thua kém các đảo Quan Lạn, Minh Châu nhưng chỉ cách đây vài năm, Ngọc Vừng còn khá xa lạ với du khách.
Ngoài việc 200 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu vốn chỉ quen làm nông nghiệp và đi biển, ở đây cũng chưa có điện lưới khiến du lịch chỉ dừng lại ở... tiềm năng.
Ông Vũ Phong, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Vừng nhớ lại, khi chưa có điện lưới, hơn 250 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu sống rải rác ở 4 thôn của Ngọc Vừng quanh năm phải đối diện với cái nghèo do điều kiện vị trí địa lý cách trở, giao thông đi lại không thuận lợi.
Ngọc Vừng nghèo, nên tàu bè đầu tư ra đảo cũng không có, muốn từ đất liền ra đảo và ngược lại, người dân phải di chuyển mất 2 - 3 giờ trên biển bằng thuyền nhỏ.
“Người dân ngày ấy sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản. Khi chưa có điện lưới quốc gia, nguồn điện chủ yếu trên đảo được cấp từ máy phát hoặc hệ thống pin mặt trời, đủ để dùng các thiết bị điện nhẹ như bóng điện, quạt máy, tivi... khoảng 2 - 3 tiếng mỗi ngày”, ông Phong kể.
Thế rồi, “cú hích” quan trọng nhất để đánh thức Ngọc Vừng chính là việc đưa điện lưới ra đảo, được khởi công từ ngày 19/4/2014 và đóng điện chính thức vào ngày 17/1/2015.
Việc có điện lưới không chỉ xóa đi cảnh sinh sống tối tăm của bà con mà còn mở ra vận hội mới cho phát triển kinh tế, xã hội nói chung, du lịch nói riêng cho địa phương này.
Người dân đổi đời nhờ du lịch
Mô hình nhà nghỉ kết hợp với sinh hoạt của gia đình ông Phan Thanh Khảo
Khi có điện, người dân Ngọc Vừng ngày càng được tiếp cận nhiều với các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó, những mô hình hay, sáng tạo về phát triển du lịch cộng đồng đã dần hình thành.
Trong đó, chính quyền xã cũng chú trọng vận động người dân bỏ vốn xây dựng hệ thống nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống theo mô hình du lịch sinh thái, văn hóa gắn với nông thôn mới.
Hiện nay, trên địa bàn đã có hàng chục cơ sở lưu trú với trên 100 phòng nghỉ, lều bạt ven biển với giá cả phải chăng.
Nhờ thế, lượng du khách đến Ngọc Vừng tăng mạnh sau mỗi năm. Nếu như năm 2010, số khách chỉ khoảng trên dưới 1.000 người, không có khách nước ngoài tới nay, con số này đã lên tới hàng vạn, trong đó có cả khách ngoại quốc.
Ông Phan Thanh Khảo, nguyên cán bộ địa chính xã Ngọc Vừng là người tiên phong xây dựng mô hình homestay ở Ngọc Vừng. Ngày đầu ông nói ra ý tưởng, cả gia đình phản đối kịch liệt, thậm chí có người còn cho rằng ông... hâm.
Bỏ qua những lời khuyên can, tháng 2/2015, ông mang sổ đỏ của gia đình thế chấp ngân hàng vay 400 triệu đồng cùng tài sản tích lũy được từ bấy lâu đầu tư xây dựng công trình nhà ở kết hợp với cho thuê trị giá trên 1,7 tỷ đồng.
Homestay của ông Khảo được đưa vào sử dụng đúng dịp mùa du lịch năm 2015. Sau vụ du lịch đầu tiên, trừ các khoản tri phí, ông đã thu về trên 50 triệu đồng.
Từ bấy đến nay, năm nào mô hình của gia đình ông cũng thu được từ 50 - 100 triệu đồng mỗi mùa du lịch…
Không chỉ mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà nghỉ, hiện ông Khảo còn sở hữu đội xe đưa, đón khách thăm quan quanh đảo trị giá hàng trăm triệu đồng, mang lại nguồn thu đáng kể mỗi năm.
Anh Tuấn, một hộ dân nhà ở gần bãi tắm Trường Chinh, xã Ngọc Vừng vừa mải miết chằng, buộc căn nhà tranh tre trên triền cát trắng mịn cũng hồ hởi khoe: “Sắp đến mùa du lịch, các gia đình đều tranh thủ nâng cấp các quán ăn để đón khách.
Gia đình tôi đã xây dựng được khu nhà nghỉ và thuê mảnh đất ở bãi biển làm quán ăn, mỗi vụ thu về được hơn trăm triệu đồng”.
Dẫn PV đi trên tuyến đường nhỏ với nhiều ổ gà gập ghềnh từ trung tâm xã ra cầu cảng để trở về đất liền, anh cán bộ xã khoe: “Xã đang tiến hành đền bù, giải phóng mặt bằng để làm tuyến đường dài 7,5km với số tiền đầu tư trên 50 tỷ đồng kết nối xuyên đảo.
Điện lưới có rồi, giờ giao thông được mở ra thì chẳng mấy nữa, khách du lịch sẽ nườm nượp đến với Ngọc Vừng!”.
Ông Vũ Đức Hưởng, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết: Ngọc Vừng là xã đảo với nhiều tiềm năng du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa.
Do vậy, cùng với quy hoạch tổng thể về đất đai, tài nguyên, chính quyền đã và đang tập trung quy hoạch phát triển du lịch cho địa phương này.
Cùng với đó, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng được tính toán hợp lý. Đây là tiền đề quan trọng để Ngọc Vừng “cất cánh”.
Tin hay dành cho bạn - Thủy tinh ocean chuyên cung cấp các sản phẩm làm bằng thủy tinh như dĩa thủy tinh cao cấp, cốc thủy tinh, ly kem thủy tinh, bình thủy tinh, bát và cốc thủy tinh, ... thuộc mekoong.com tại địa chỉ Lầu 1.1 Khu thương mại Thuận Việt – 319c15 Lý Thường Kiệt, P15, Quận 11, Tp.HCM
Nhận xét
Đăng nhận xét