Tiếng chày xưa, cuộc sống nay trên sóc Bom Bo
Già làng Điểu Lên nay 80 tuổi. Hỏi ông biết bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” khi nào?, ông cười nghiêng ngả: “Ối, cả làng có biết đâu! Bữa đó bộ đội về nhiều, buổi tối tự nhiên nó hát váng lên. Giựt cả mình, hết cả hồn!...”.
Đến lúc đó lũ làng Bom Bo mới biết sóc mình “lên bài hát” của nhạc sĩ Xuân Hồng.
Giã gạo nuôi quân
Tác giả nghe già làng Điểu Lên kể chuyện giã gạo nuôi quân
Từ TP Đồng Xoài (Bình Phước) theo QL14 hướng về huyện Bù Đăng khoảng 50km, rẽ hướng Tây chừng 10km là đến sóc Bom Bo, nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh. Khó để nhận ra một phum sóc như ngày xưa với nhà sàn vách nứa và “đuốc lồ ô bập bùng ánh lửa”. Nhà bây giờ xây dựng khang trang. Khá giả thì có cả lầu.
Lứa những người giã gạo nuôi quân giờ không còn nhiều. Già làng Điểu Lên lúc đó mới mười chín, đôi mươi nay đã 80. Tìm tới nhà ông. Vắng tanh. Mấy người làng nói với: “Già Lên đi rẫy rồi!”.
Quá trưa, chúng tôi tìm được vào rẫy và ông đang tưới cà phê. Tráng kiện, quắc thước, nói cười sang sảng và hồn nhiên. Ông đập bem bép những con kiến vàng bu trên đôi chân trùi trũi như khúc gỗ lim gỗ sến. Chính xác, không trật phát nào.
“Hồi đó giã gạo, bây giờ hết giã gạo rồi. Mua thôi, giã gạo cực khổ lắm”, ông cười. Người S’tiêng mỗi ngày giã gạo một lần. Một lần giã đủ ăn cho một ngày. Hết thì giã tiếp. Thường thì giã lúc chiều về khi gần tắt nắng sau một ngày làm việc. Không có chuyện đốt đuốc giã gạo.
Rồi những năm 1960-1962, Mỹ - Ngụy liên tục càn quét, gom dân vào ấp chiến lược, cắt đứt mối liên hệ giữa dân làng và lực lượng cách mạng. Dân làng họp lại, không chịu đi.
Đến năm 1963, khi bị bức bách và càn quét liên miên, già trẻ gái trai trong bản nhất quyết đồng lòng âm thầm băng rừng vượt suối vào căn cứ Nửa Lon để theo cách mạng. Hồi đó ở căn cứ này, dân làng mỗi lần nấu cơm là bớt lại nửa lon để dành nuôi bộ đội, tên Nửa Lon ra đời từ đó.
Ở vùng đất mới, bà con làm lán làm trại, vừa sản xuất vừa chống giặc. Thanh niên vào du kích, bộ đội. Trẻ con làm giao liên. Phụ nữ giã gạo nuôi quân. “Tới những năm 1963-1964 bộ đội về nhiều lắm nên phải giã cả đêm mới kịp có gạo nuôi bộ đội”, già Lên kể.
Đó là những năm tháng gian nan, khốn khó nhưng hào hùng còn mãi trong ký ức già Lên và lũ làng lớn tuổi. Thiếu cơm thiếu muối thì lũ làng ăn củ rừng, rau rừng, đốt rễ tranh chấm củ mì củ mài, nhường gạo, nhường muối cho bộ đội.
Sóc Bom Bo hôm nay
Già làng Điểu Lên nay 80 tuổi nhưng còn tráng kiện, vẫn đi rẫy tưới cà phê mỗi ngày
Đến với sóc Bom Bo hôm nay, du khách sẽ có dịp nghe già làng kể chuyện, xem các sơn nữ biểu diễn vũ điệu của người S’tiêng, trai làng múa cồng chiêng bên ánh lửa bập bùng, thưởng thức cơm lam nấu ống tre, uống rượu cần, canh thụt, canh bồi, lá nhíp xào đọt mây rừng… do người bản địa S’tiêng chế biến.
Sóc bây giờ có những người biết làm ăn, biết làm giàu. Anh Điểu Té, 34 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Bom Bo, là một trong những người trẻ tiêu biểu có kinh tế khá giả. Năm 2017, vợ chồng anh được cấp một căn nhà trong khu bảo tồn.
Ngoài cơ ngơi hơn 1,8ha vườn gồm cao su, điều, cà phê trồng đan xen mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, vợ chồng anh còn là nòng cốt trong cung cấp gà vườn để phục vụ du khách. “Có tháng lời cả 7, 8 triệu đồng, mừng lắm”, anh nói.
Đến sóc Bom Bo du khách nên thưởng thức món ăn của người S’tiêng. Một trong những người chế biến món ăn cho khách là chị Điểu Thị Xia, 37 tuổi, con già Lên. Chị Xia còn là nghệ nhân trong làng chế biến rượu cần, dệt thổ cẩm. “Từ khi Khu bảo tồn đi vào hoạt động đã giúp bà con Bom Bo có cuộc sống ổn định hơn. Bà con ở Bom Bo mong muốn khách đến với Bom Bo nhiều để chúng tôi có thêm việc làm, có thêm thu nhập”, chị Xia nói.
Ngày nay bộ mặt nông thôn Bom Bo thay đổi nhiều, tỉ lệ hộ nghèo còn rất ít. Bà con không còn phá rừng, bẫy thú hoang dã. Nhưng nổi bật nhất ở Bom Bo bây giờ là trẻ em được cắp sách đến trường đúng độ tuổi.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Bù Đăng, Phó giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn văn hoá dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo cho biết, xã có hơn 11.000 dân, trong đó người S’tiêng khoảng 2.000 người. Trong kháng chiến cũng như hôm nay, người S’tiêng luôn một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Sóc Bom Bo nay không còn nghèo đói như xưa, ai cũng có cơm ăn áo mặc. Trẻ em được học ở trường dân tộc nội trú, có nhà nước lo.
Theo ông Tuấn, thời gian qua tỉnh đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ người dân trong phát triển nông nghiệp như cung cấp giống, cây trồng, vật nuôi, khoa học kỹ thuật... Huyện đã hỗ trợ heo giống, gà giống, gà ri, heo rừng lai cho nhiều hộ dân. Có 20 hộ được cấp nhà, đất trong khu vực lõi của khu bảo tồn. Đó là những hộ gia đình trẻ, siêng lao động, am hiểu truyền thống văn hóa của đồng bào S’tiêng. “Họ chính là hồn cốt của khu bảo tồn”, anh Tuấn nói.
Dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo được khánh thành năm 2015, có diện tích hơn 113ha. Công trình gồm các hạng mục như: Nhà dài truyền thống, điểm trường Tiểu học Xuân Hồng, hệ thống đường giao thông, điện nước, sân lễ hội, nhà đón tiếp, nhà lưu giữ làng nghề truyền thống… Các công trình, hiện vật đáng chú ý như: Nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà bán hàng lưu niệm, hệ thống nhà vệ sinh; bộ đàn đá kỷ lục Việt Nam nặng 20 tấn; bộ cồng chiêng lớn nhất Việt Nam gồm 6 chiêng, 5 cồng có đường kính 2,15m, nặng 600kg… Mỗi năm, bình quân khu bảo tồn đón 20.000 khách tham quan.
Nhưng già làng Điểu Lên nói cái nghèo vẫn còn đeo đẳng người S’tiêng: “Chưa giàu nổi đâu. Đường sá, cầu cống cũng chưa thuận lợi. Người S’tiêng muốn Nhà nước làm cái cầu, cái đường để đi lại và chở cà phê, chở điều dễ dàng hơn…
Bài hát ra đời từ đâu, khi nào?
Bà Nguyễn Hồng Loan, nay đã trên 60 tuổi, là con gái út của cố nhạc sĩ Xuân Hồng, công tác ở Hội Âm nhạc TP.HCM (đã nghỉ hưu) cho biết, giai điệu và bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” được nhạc sĩ Xuân Hồng thai nghén trong thời gian rất dài, từ khi ông còn là một cậu bé ở vùng Bắc bộ, tiếng giã gạo thùm thụp, thùm thụp lóng lánh bật lên trong ông những giai điệu…
Rồi lớn lên ông vào chiến trường. Giai điệu đó đi theo mãi. Trong một lần tham gia chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài, chiến sĩ Xuân Hồng được điều đến sóc Bom Bo để nhận gạo. Sau đó ông nhiều lần trở lại nơi đây.
Nhạc sĩ Xuân Hồng sau này kể lại: “Sóc Bom Bo ngày ấy là hậu phương vững chắc. Tập quán của sóc là giã gạo ngày nào ăn ngày đó. Nhưng đúng lúc bộ đội thiếu gạo, các già làng họp lại, đưa ra khẩu hiệu “Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân”! Và từ đấy, mỗi đêm sóc Bom Bo đều bập bùng trong ánh lửa”.
Trong không gian tĩch mịch của núi rừng, ánh lửa từ đuốc lồ ô huyền hoặc và tiếng chày cụp cùm cum, cụp cùm cum vang vọng bất ngờ giao hòa với những giai điệu ấu thơ. Ông lẩm nhẩm giai điệu, tiết tấu…
Một năm, rồi hai năm… Ông viết đi viết lại. Đến năm 1965 thì bản nhạc hoàn thành, ông nhét trong ba lô và đến năm 1966 mới phổ biến ra công chúng.
Khi vừa phổ biến trên Đài Phát thanh Giải phóng, “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” lập tức tạo ra tiếng vang, trở thành một bản hùng ca thôi thúc quân dân cả nước hướng về chiến trường.
Năm 1996, ông trở lại thăm sóc như nguyện ước trong câu hát “Người đi xa vắng rồi sẽ có ngày/Về đường này thăm sóc Bom Bo…”. Nhưng đó là lần về thăm cuối cùng của ông với mảnh đất nặng nghĩa tình.
Tin hay dành cho bạn - Thủy tinh ocean chuyên cung cấp các sản phẩm làm bằng thủy tinh như dĩa thủy tinh cao cấp, cốc thủy tinh, ly kem thủy tinh, bình thủy tinh, bát và cốc thủy tinh, ... thuộc mekoong.com tại địa chỉ Lầu 1.1 Khu thương mại Thuận Việt – 319c15 Lý Thường Kiệt, P15, Quận 11, Tp.HCM
Nhận xét
Đăng nhận xét