Tướng Phan Khắc Hy và ký ức thời xông pha Trường Sơn

Nếu không có chiến tranh, tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Binh đoàn 559, Binh đoàn Trường Sơn anh hùng; Phó tướng trực tiếp của Trung tướng Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên trên mặt trận đường Trường Sơn khói lửa có lẽ phù hợp với nghề dạy học hơn. Nhưng phía sau nét nho nhã ấy là một nội lực mạnh mẽ tiềm tàng.

Vào Trường Sơn

Bác Hồ chúc Tết Trung đoàn Không quân 921 tại sân bay Đa Phúc năm 1967 (ông Phan Khắc Hy bên trái)

Trong căn nhà nhỏ giữa con hẻm nhỏ trên đường Bạch Đằng (phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM), sáng nào vị tướng già Phan Khắc Hy cũng ngồi trên chiếc ghế ở phòng khách đọc báo. Dù đã bước sang tuổi 96 nhưng mắt ông vẫn sáng, không cần mang kính.

Bà Vũ Thúy Hòa, nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội Công binh, Đại đội 14, Trung đoàn 9, Sư đoàn 473, Binh đoàn 559 (năm 1973), hiện là Phó ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn tại TP.HCM chia sẻ: “Bộ đội Trường Sơn anh hùng vì có những vị tướng anh hùng và đức độ như bác Đồng Sỹ Nguyên, bác Phan Khắc Hy… Các vị tướng cùng chúng tôi xông pha trận mạc, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Chỉ riêng Nghĩa trang Trường Sơn có hơn 10.000 đồng đội mãi mãi nằm lại ở đó…”.


Ông luôn vui vẻ, hóm hỉnh khi nhắc về những ngày tháng trên đường Trường Sơn đạn bom, bão lửa, rầm rập những đoàn xe chở bộ đội, chở thiết bị phục vụ chiến trường miền Nam… thuở nào.

Chị Tám - người giúp việc cho ông chia sẻ, mấy tháng gần đây đêm ngủ thỉnh thoảng ông giật mình, la hét. Chắc lại là những trận bom rải thảm Trường Sơn. Suốt cuộc đời binh nghiệp của mình, ông có 5 năm gắn bó với đường Trường Sơn (1971 - 1975).

“Được xông pha ngang dọc suốt Đông - Tây Trường Sơn là những năm tháng sống và chiến đấu hào hùng nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi”, ông nói. Trước đó, ông từ Binh chủng Phòng không - Không quân chuyển qua Binh đoàn Trường Sơn cho đến ngày đất nước thống nhất.

Ngồi cùng ông, ký ức năm xưa lần lượt hiện về. Ông nhắc tới đèo Đá Đẽo giữa Quảng Bình - Hà Tĩnh, sân bay dã chiến Gát, cung đường ác liệt A Sầu - A Lưới, cầu Đắkrông, phà Xuân Sơn, điểm cao Cà Roòn… Nhắc tới đường 20 Quyết Thắng (đoạn Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình), ông vui tươi hẳn lên: “Hang Tám Cô giờ được tôn tạo khang trang rồi…”.

Hang Tám Cô là nơi 8 thanh niên xung phong trú ẩn trong một trận bom rải thảm trước khi bị sập. Các chị ra đi mãi mãi ở tuổi mười tám, đôi mươi.

Với những người lính Binh đoàn Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến luôn là một phần máu thịt, bởi sau những trận bom cày nát đường, nát ngầm (khe suối chảy qua đường), hàng trăm thanh niên xung phong lại bất chấp bom nổ chậm lao ra vá đường cho xe băng qua.

Ông sinh ở Quảng Bình, cùng quê với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo kháng chiến từ nhỏ, năm 22 tuổi ông đã là Bí thư Huyện ủy Bố Trạch trong kháng chiến chống Pháp. Sau 1954, ông được điều về lực lượng Phòng không – Không quân.

Giữa năm 1971, đồng chí Lê Quang Đạo thay mặt Quân ủy Trung ương gọi ông lên và giao nhiệm vụ: “Để đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ - Ngụy, phải giải quyết 2 vấn đề mấu chốt: Phá âm mưu bình định và diệt quân chủ lực địch.

Để phục vụ 2 nhiệm vụ trên, khâu vận chuyển chi viện cho chiến trường có ý nghĩa quyết định”. Và thế là ông lên đường vào Trường Sơn, gia nhập Binh đoàn 559.

Cơ giới hóa bộ binh tấn công

Năm 1999, tướng Phan Khắc Hy trải tấm bản đồ Trường Sơn và giảng giải cho tác giả về địa bàn tác chiến của đoàn 559 ở Trường Sơn

Binh đoàn 559 của bộ đội Trường Sơn đặt theo thời khắc lịch sử tháng 5/1959, lúc tướng Đồng Sỹ Nguyên nhận lệnh từ Bác Hồ và Quân ủy Trung ương, bổ nhát cuốc đầu tiên ở làng Ho (Quảng Bình), mở con đường Trường Sơn huyền thoại phục vụ chiến trường miền Nam.

“Những năm sau này, chúng tôi có nhiều chuyến đi tìm làng Ho lịch sử nhưng không thể vì đấy là làng của người đồng bào Pako, Vân Kiều, họ có tập tục du canh, du cư nên làng xưa bây giờ không còn dấu tích”, ông kể.

Khi tướng Hy nhận nhiệm vụ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên căn dặn: Trong công tác vận chuyển chiến lược, cần nắm vững “cầu đường phải đi trước một bước dài; nắm vững lực lượng vận tải ô tô, lực lượng xung kích thực hiện nhiệm vụ; phải nắm vững nghệ thuật quân sự để chỉ đạo chỉ huy vận tải quân sự trong chiến tranh…”.

Đó là những bài học ông nhớ nhất và vận dụng sáng tạo, hiệu quả.

“Đường Trường Sơn không phải là một con đường mà là một ma trận với hệ thống chằng chịt đường, là chiến trường trọng yếu, là căn cứ chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam”, vị tướng già nói với giọng rắn rỏi.

Ở tuổi 96 ông vẫn đọc báo và quan tâm tình hình địa, chính trị thế giới mỗi ngày

Những ngày tháng hào hùng Trường Sơn, bây giờ ông nhớ nhất là những hôm quân đi như thác lũ vào chiến trường miền Nam, phục vụ chiến dịch Tây Nguyên và tiến về Sài Gòn.

Tết năm 1975, ông được phân công tháp tùng đoàn của Đại tướng Văn Tiến Dũng vào Tây Nguyên, đi từ Kon Tum qua Buôn Ma Thuột đánh trận mở màn.

“Dọc đường bộ đội và thanh niên xung phong vừa làm đường vừa ca hát, thấy xe thủ trưởng liền í ới: “Thủ trưởng ơi, quà Tết cho chúng em với!”. Trên xe bao giờ cũng có lược, kẹp tóc cho chị em, thuốc lá cho cánh nam giới.

Quân đi như nước, dằng dặc tuôn trào, hừng hực khí thế. Hàng ngàn, hàng vạn chuyến xe chở đầy quân và thiết bị hạng nặng. “Nhiều đoạn chúng tôi phải nhảy xuống điều tiết xe để tránh nhau”, ông kể.

Tốc độ vận chuyển của bộ đội ta rất nhanh. Ông triển khai chiến sĩ 559 phục vụ toàn chiến dịch, bảo đảm đường sá, cầu cống và vận chuyển thông suốt.

Nhờ vậy mà vật chất, đạn pháo, nhu yếu phẩm và nhiều sư đoàn từ hậu phương tăng cường cho tiền tuyến đều suôn sẻ.

Các trạm xăng dầu và tuyến đường ống đã kéo vào đến Chơn Thành (Bình Phước), xe đi đến đâu là có xăng đến đó.

Đến sáng 30/4/1975, lúc 11h30, qua radio, ông nghe Đài Phát thanh Sài Gòn phát đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh.

“Tất cả chúng tôi vui mừng khôn tả! Bộ đội 559 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngoài nhiệm vụ bảo vệ cầu đường, vận tải chi viện, tác chiến phòng không và bộ binh, nhiệm vụ có ý nghĩa nhất là cơ giới hóa bộ binh trong chiến dịch tấn công”.

Ngày 7/5, có phút thảnh thơi, ông đặt bút viết lá thư đầu tiên gửi về Hà Nội: “Em yêu, chắc em không ngờ anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn đã giải phóng…”.

“Sài Gòn đã giải phóng”, chỉ mấy từ thôi mà đất nước 21 năm khắc khoải ngày Nam đêm Bắc với bao nhiêu lớp thanh xuân nằm lại chiến trường…

Sau năm 1975, tướng Phan Khắc Hy giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quân đội, đa phần liên quan đến hậu cần và kinh tế. Tủ sách trong phòng khách của ông có bộ Từ điển Larousse. Thấy tôi tò mò bộ sách, ông cười: “Chiến lợi phẩm đấy. Hồi đó chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, tôi thích bộ này quá nên mang về”.

Tôi với ông nói chuyện về người giàu, người nghèo. Ông cười váng lên: “Bữa nọ mình gặp cô kia, mình vô tình buột miệng hỏi: “Sao cô giàu quá vậy?” rồi biết bị hớ nên mình im luôn. Ôi mình hớ hênh quá!...”. Ông nói dân giàu là mừng, đất nước giàu là mừng. Nhưng một số người giàu lên bằng trục lợi, bòn rút là điều tệ hại và không chấp nhận được.



Tin hay dành cho bạn - Thủy tinh ocean chuyên cung cấp các sản phẩm làm bằng thủy tinh như dĩa thủy tinh cao cấp, cốc thủy tinh, ly kem thủy tinh, bình thủy tinh, bát và cốc thủy tinh, ... thuộc mekoong.com tại địa chỉ Lầu 1.1 Khu thương mại Thuận Việt – 319c15 Lý Thường Kiệt, P15, Quận 11, Tp.HCM 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thiếu niên bị cảnh sát đánh tới tấp ở Sóc Trăng: Bỏ chạy vì sợ bị bắt phạt

Cháy lớn trong KCN ở Long An, 1 người mất tích, 4 người bị thương

Bắc Ninh: Kỳ lạ cọc bê tông mọc ở khu đất giữa nút giao thông